Thi công công trình có tầng hầm là dạng phổ biến của đa số dự án trong khu vực thành phố, đặc biệt là khu vực nội thành. Bởi quy hoạch của thành phố, khống chế chiều cao tối đa công trình được phép xây dựng mà đất nội đô tấc đất tấc vàng, hơn nữa xây dựng một tòa nhà cần phải giải quyết nhu cầu về khu vực để xe như xe máy, ô tô. Hiện nay đa phần các công trình cao tầng trong thành phố đa phần được thiết kế có 1, 2 3 thậm chí là 4 và 5 tầng hầm.
Các dạng công trình có tầng hầm
Các công trình có 1, 2, 3 tầng hầm khá phổ biến, đa phần công trình xây dựng ở các tuyến phố trung tâm đều được thiết kế với quy mô 3 tầng hầm như dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Trần Duy Hưng…
Công trình có 4 và 5 tầng hầm thì số lượng ít hơn, kể đến như cục tần số vô tuyến điện 115 Trần Duy Hưng hay FLC 418 Quang Trung …
Minh họa công trình có tầng hầm tại số 115 Trần Duy Hưng
Chúng ta sẽ điểm qua các phương pháp thi công tầng hầm phổ biến hiện nay.
1. Thi công công trình có tầng hầm với phương pháp đào mở, không sử dụng văng chống.
Phương pháp này chỉ áp dụng cho khu vực thi công công trình có phần ngầm ở khu vực đất có chỉ tiêu cơ lý từ trung bình trở lên (dẻo mềm đến dẻo cứng), không tiếp giáp với công trình lân cận, có quỹ đất đủ rộng trên mặt bằng để có thể đào taluy có thể áp dụng cho công trình có quy mô 1 đến 2 tầng hầm.
2. Thi công công trình có tầng hầm với phương pháp đào mở, sử dụng cừ chắn đất
Cũng tương tự như phương pháp 1, đặc trưng của phương án này là sử dụng cừ chắn đất vì vậy có thể tiết kiệm tối đa không gian đất trống còn lại để làm mặt bằng phục vụ thi công, làm đường giao thông cho xe chạy trên công trình. Tuy nhiên trước khi thi công cần kiểm tra khả năng chịu lực của cừ và hệ số an toàn của mái đất khi sử dụng cừ chắn đất, cần có đơn vị thiết kế đã có nhiều kinh nghiệm thiết kế và thi công công trình có quy mô tương tự để tính toán, kiểm tra biện pháp đảm bảo an toàn và tối ưu về chi phí.
Phương pháp này cũng sử dụng hiệu quả công trình có quy mô 1 đến 2 tầng hầm
Thi công công trình có tầng hầm sử dụng cừ chắn đất
3. Thi công công trình có tầng hầm với phương pháp đào mở, cừ chắn đất kết hợp văng chống hoặc khoan neo
Tùy thuộc vào điều kiện địa chất cũng như mặt bằng thi công mà lựa chọn phương án thi công phù hợp. Hình thức này thường áp dụng cho công trình có quy mô 2,3 tầng hầm
– Với mặt bằng có dạng hẹp, chạy dài vào bên trong, phương án tối ưu thường được lựa chọn đó là cừ kết hợp văng chống.
– Với mặt bằng có diện tích lớn và rộng, có thể lựa chọn mô hình cừ kết hợp văng chống chéo hoặc cừ kết hợp khoan neo. Hiện nay phương án khoan neo được áp dụng khá phổ biến trên thị trường bởi đặc tính ưu việt của nó như mặt bằng thi công được tối ưu do thoáng không bị chiếm chỗ bởi văng chống, tiến độ thi công nhanh, kết cấu thi công được liền mạch không ngắt quãng và nhiều mạch ngừng.
Thi công công trình có tầng hầm sử dụng cừ kết hợp với văng chống
4. Thi công công trình có tầng hầm với phương án tường vây chắn đất
Đây là phương pháp thi công tầng hầm rất phổ biến trên thị trường hiện nay, áp dụng đối với công trình có quy mô từ 3 tầng hầm trở lên. Tùy thuộc vào điều kiện địa chất và số tầng hầm mà thiết kế số gối tựa (sàn, văng chống, neo) phù hợp và chiều dài tường vây ngàm vào đất, đảm bảo các tiêu chí an toàn cho công trình và công trình lân cận. Ưu điểm của phương án sử dụng tường vây chắn đất này là sử dụng tường vây làm vách tầng hầm luôn, công nghệ rất phổ biến trên thị trường, an toàn cho công trình lân cận khi thi công trong điều kiện xây chen.
Có những phương án tường vây chắn đất như sau:
– Tường vây kết hợp văng chống hoặc neo: Phương án này thường sử dụng cho công trình có quy mô 3 tầng hầm, đặc trưng của phương pháp này là dễ thi công do đào mở và thi công từ dưới lên, tiến độ thi công nhanh hơn các phương án khác cùng chủng loại tường vây, hạn chế mạch ngừng dầm sàn, cột vách topdown và các biện pháp thi công khác như vữa không co đầu cột, thép chờ dầm sàn cột vách. Tuy nhiên độ cứng tổng thể trên mặt bằng tại các gối đỡ của hệ văng chống hoặc neo sẽ kém hơn so với các phương pháp sử dụng tường vây chắn đất khác, vì vậy chuyển vị tường vây theo các giai đoạn thi công sẽ có sự chênh lệch.
Thi công công trình có tầng hầm với phương án tường vây kết hợp với khoan neo
– Tường vây kết hợp dầm sàn: 2 phương pháp phổ biến
+ Phương án thi công semi: Với phương pháp này hệ dầm sàn kết hợp với tường vây tạo thành một hệ khung chắn đất, chịu tác dụng của tải trọng ngang bao gồm áp lực đất, nước và phụ tải bên trên. Ưu điểm tận dụng luôn kết cấu dầm sàn làm văng chống vì vậy độ cứng tổng thể cao, tuy nhiên lỗ mở phục vụ thi công cần lưu ý, lựa chọn hợp lý, đảm bảo an toàn chịu lực khi chịu tải trọng ngang, cần có tính toán chi tiết và cụ thể, đặc biệt khu vực khoét lỗ giáp trực tiếp với tường vây phục vụ đào đất thi công tầng hầm. Phương pháp này cũng có ưu điểm là có thể tận dụng được mặt bằng phục vụ thi công bởi sử dụng chính dầm sàn tầng hầm để làm mặt bằng chứa nguyên vật liệu phục vụ thi công cũng như cho xe chạy.
Việc tính toán lựa chọn PA thi công này khá phức tạp bao gồm toàn bộ quá trình từ thiết kế kingpost cho đến lỗ mở cũng như phương án thi công tối ưu. Hiện nay trên thị trường nhà thầu Delta là một trong những đơn vị tiên phong và đi đầu trong lĩnh vực thiết kế và thi công công trình có tầng hầm với điều kiện thi công khó khăn và phức tạp.
Thi công công trình có tầng hầm theo phương pháp semi
+ Phương án thi công topdown: Phương pháp này có ưu điểm là độ cứng tổng thể công trình cao, hạn chế chuyển vị ngang của tường vây trong quá trình đào đất thi công tầng hầm, có thể thi công đồng thời cả phần ngầm lẫn phần thân, tối ưu được tiến độ thi công. Mặt bằng thi công kín, ít gây ảnh hưởng công trình lân cận, có thể tận dụng tối đa mặt bằng để phục vụ thi công cũng như tập kết nguyên vật liệu, tuy nhiên việc thi công đào đất tầng hầm khó khăn cho việc thông khí cũng như ánh sáng, máy đào cũng như công nhân lao động khó thao tác trong quá trình thi công. Phải thiết kế và thi công đầy đủ hệ thống thông gió, chiếu sáng đảm bảo an toàn cho thi công tầng hầm. Cột topdown hay thép chờ thép cột vách gần như toàn bộ trên mặt bằng.
Thi công công trình có tầng hầm theo phương pháp topdown
Mỗi phương pháp có một ưu, nhược điểm riêng, tùy thuộc vào điều kiện thi công, số tầng hầm cũng như địa chất công trình mà thiết kế và biện pháp phù hợp. Vì vậy cần lựa chọn đơn vị thiết kế cũng như đơn vị thi công uy tín, đảm bảo an toàn và bền vững cho công trình và công trình lân cận.
Grapes Việt là một trong những đơn vị đủ năng lực, đủ kinh nghiệm, trải nghiệm để thiết kế biện pháp cho những công trình như thế.
Hãy kết nối với chúng tôi để được chúng tôi hỗ trợ bạn,
Các bài viết có liên quan:Thiết kế cọc ép hay cọc khoan nhồi; Chống nứt sàn bê tông
Địa chỉ: Tầng 4 toà nhà HUD3,121 – 123 Tô Hiệu, P. Nguyễn Trãi, Q. Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0975 024 625
Fax: 02437958811
Email: grapesviet@gmail.com
Website: grapesviet.vn